Khi Mọi Thứ Sụp Đổ - Lời Khuyên Chân Thành Trong Những Thời Điểm Khó Khăn
Lời chia sẻ của tác giả Pema Chodron gửi tới các bạn đọc cho cuốn sách “Khi mọi thứ sụp đổ: When things fall apart – Lời khuyên chân thành trong những thời điểm khó khăn:
“Năm 1995, tôi nghỉ phép một năm. Suốt 12 tháng, tôi gần như không làm gì cả. Với tôi, đó là khoảng thời gian mang đến nhiều cảm hứng tâm linh nhất trong cuộc đời.
Tất cả những gì tôi làm là thư giãn. Tôi đọc sách, leo núi và ngủ. Tôi nấu và ăn, thiền định và viết sách. Tôi không có thời gian biểu hay lịch trình nào, cũng không có những “việc nên làm”. Trong suốt khoảng thời gian hoàn toàn tự do và thoải mái khám phá này, tôi đã thấu suốt được nhiều điều.
Tôi bắt đầu thư thả đọc lại hai thùng các-tông chứa những bản ghi chép thô chưa qua chỉnh sửa, đó là những bài giảng của tôi từ năm 1987 đến năm 1994. Không như những bài giảng trong khóa thiền định một tháng Dathun đã được viết lại trong cuốn The Wisdom of No Escape (tạm dịch: Trí tuệ từ việc không trốn chạy) và những bài giảng giáo lý lojong (các phương pháp luyện tâm) trong cuốn Start Where You Are (tạm dịch: Bắt đầu từ chính nơi bạn đang đứng), những bài giảng này dường như không cùng một chủ đề. Thi thoảng tôi lại xem qua một vài bản ghi chép. Những lời giảng với đủ mọi hình thái từ mô phạm đến thú vị. Tôi cảm thấy thích thú lẫn ngượng ngùng trước vô khối những từ ngữ từng được thốt ra bởi chính mình.
Dần dần, khi đọc thêm, tôi bắt đầu thấy ở một góc độ nào đó, dù tôi chọn chủ đề nào, dù thuyết pháp ở đất nước nào, hay tại thời điểm nào, tôi đã không ngừng giảng về cùng một thứ: Tính cấp thiết của việc phát triển tình yêu và sự tử tế cho bản thân, hay maitri, và từ đó thức tỉnh thái độ bi mẫn1 không sợ hãi trước khổ đau của bản thân mình và người khác.
Đâu đó đằng sau mỗi bài giảng là cùng một góc nhìn: Chúng ta có thể bước vào một lãnh địa chưa được khai phá và thả lỏng trong hoàn cảnh bấp bênh của mình. Một chủ đề tiềm ẩn khác là hóa giải căng thẳng trong xu hướng phân biệt nhị nguyên giữa chúng ta và họ, giữa đây và kia, tốt và xấu, bằng cách nghênh tiếp những gì chúng ta thường né tránh. Thầy tôi, Chögyam Trungpa Rinpoche, đã mô tả phương pháp này là “tựa vào những điểm sắc nhọn”. Trong suốt quãng thời gian bảy năm đó, tôi nhận ra, tôi đã cố gắng thấu hiểu và truyền đạt những chỉ dẫn đầy mạnh mẽ và hữu ích mà thầy Trungpa Rinpoche đã dạy cho học trò.
Đi sâu vào các ghi chép, tôi thấy mình vẫn còn nhiều việc cần làm để thật sự thể hiện hết lòng cảm kích của mình trước những gì tôi được dạy. Bằng cách áp dụng lời khuyên của thầy Rinpoche vào thực hành một cách tốt nhất có thể, cùng với nỗ lực chia sẻ kinh nghiệm về con đường mình đã đi qua với tư cách là một người học trò, tôi đã hiểu và tìm thấy sự hài lòng cùng hạnh phúc giản đơn mà tôi chưa từng biết đến. Tôi cười sảng khoái khi nhận ra điều này, như tôi vẫn thường nói, kết bạn với những con quỷ trong ta cùng nỗi bất an đi kèm với chúng mở ra cho chúng ta một niềm vui và trạng thái thư giãn thật giản đơn.
Khoảng giữa kỳ nghỉ, Emily Hilburn Sell, biên tập viên của tôi bất chợt hỏi liệu tôi có những bài giảng nào khác để tập hợp thành một cuốn sách thứ ba không. Tôi đã gửi mấy thùng ghi chép đó cho cô ấy. Cô đọc qua và thấy được truyền cảm hứng đủ để thông báo với nhà xuất bản Shambhala: “Chúng ta sẽ có một cuốn sách mới.”
Trong sáu tháng kế tiếp, Emily đã sàng lọc, rồi thay đổi, xóa, rồi chỉnh sửa, còn tôi thì có đặc ân đi sâu vào mỗi chương và điều chỉnh theo cách mình cảm thấy hài lòng nhất. Ngoài những lúc nghỉ ngơi, ngắm nhìn biển cả hay thả bộ trên những con đồi, tôi lại đắm mình trong những bài giảng. Có lần Rinpoche khuyên tôi: “Hãy thư giãn và viết.” Lúc đó chẳng có vẻ gì là tôi sẽ làm những chuyện đấy cả, nhưng sau nhiều năm, lúc này đây tôi đang đi theo những chỉ dẫn của thầy.
Kết quả của quá trình hợp tác với Emily và một năm chẳng làm gì của tôi chính là cuốn sách này.
Nguyện cho nội dung cuốn sách sẽ mang đến động lực để bạn lấy lại được thăng bằng trong cuộc sống và khắc sâu trong mình những bài học về lòng chân thành, sự tử tế và tinh thần can đảm. Nếu cuộc sống của bạn rối ren và căng thẳng, bạn sẽ tìm thấy nơi đây những lời khuyên cho chính mình. Nếu cuộc sống của bạn đang trải qua những chuyển biến lớn, khổ đau mất mát, hay chỉ là những quay cuồng rất đời thường, thì những bài học này là dành riêng cho bạn. Điểm mấu chốt là tất cả chúng ta đều cần được nhắc nhở và khích lệ để thư giãn trước bất cứ điều gì xảy đến và mang mọi thứ chúng ta đối mặt vào con đường tâm linh.
Đưa những chỉ dẫn này vào thực hành là chúng ta đã gia nhập một dòng truyền thừa của biết bao nhiêu bậc đạo sư, thầy và trò, những người đã mang Phật Pháp vào chính những thăng trầm trong cuộc sống thường nhật của họ.
Cũng như những người đi trước đã làm bạn với bản ngã và khám phá tâm trí tuệ của mình, chúng ta cũng có thể làm được điều tương tự.
Tôi xin gửi lời tri ân đến Trì Minh Vương Chögyam Trungpa Rinpoche, người đã hiến dâng cả cuộc đời mình cho Phật Pháp, người đã hết sức quan tâm đến việc trao truyền tinh túy của Phật Pháp tới người phương Tây. Nguyện cho nguồn cảm hứng tôi nhận được từ thầy lan truyền rộng rãi.
Nguyện cho chúng ta, cũng như ngài sống cuộc đời của một bậc Bồ Tát, và nguyện chúng ta không quên lời tuyên ngôn của ngài: “Hỗn loạn nên được xem là một tin cực kỳ tốt lành.”
Tu viện Gampo Pleasant Bay, Nova Scotia, 1996
MỤC LỤC:
Lời giới thiệu
1. Chạm đến nỗi sợ
2. Khi mọi thứ sụp đổ
3. Chính khoảnh khắc hiện tại là người thầy hoàn hảo
4. Thả lỏng tự nhiên
5. Không bao giờ là quá trễ
6. Không gây hại
7. Tuyệt vọng và cái chết
8. Tám pháp thế gian
9. Sáu kiểu cô đơn
10. Hiếu kỳ về sự tồn tại
11. Không loạn động và bốn chướng ma
12. Trưởng thành
13. Nới rộng vòng tròn cảm thông
14. Thứ tình yêu không chết
15. Đi trái với lẽ thường
16. Những người phục vụ hòa bình
17. Quan điểm
18. Những chỉ dẫn mật truyền
19. Ba phương pháp làm việc với sự hỗn loạn
20. Thủ thuật “Khi chúng ta không còn lựa chọn nào khác”
21. Quay ngược vòng luân hồi
22. Đường đi là đích đến
TRÍCH ĐOẠN SÁCH:
Chạm đến nỗi sợ
Sợ hãi là một phản ứng tự nhiên để tiến gần hơn tới chân lý
Hành trình nội tâm và điều tất yếu của nỗi sợ
Bước chân vào hành trình tâm linh giống như bước vào một chiếc thuyền rất nhỏ và ra khơi để đi tìm những vùng đất mới. Càng để tâm vào thực hành, chúng ta càng có thêm động lực, nhưng đồng thời trước sau gì, chúng ta cũng phải đối mặt với nỗi sợ. Để chạm đến những cột mốc mới, người ta phải vượt qua những giới hạn cũ, đó là điều tất yếu. Như những nhà thám hiểm của bất kỳ chuyến hành trình nào khác, chúng ta dấn thân khám phá những điều bí ẩn đang chờ đợi phía trước mà không chắc liệu mình có đủ dũng khí đối diện nó hay không.
Nếu thấy thích thú và quyết định tìm hiểu Phật Pháp, chúng ta nhất định sớm gặp được những hướng tiếp cận khác nhau. Trong thiền tuệ, chúng ta thực tập chánh niệm, hoàn toàn có mặt ở hiện tại trong tất thảy mọi hành động và suy nghĩ. Với Thiền tông, chúng ta học giáo lý về tánh không và phải nỗ lực để kết nối với sự sáng suốt, cởi mở không giới hạn của tâm trí. Giáo lý Kim Cang thừa giới thiệu khái niệm làm việc với dòng năng lượng trong tất cả mọi tình huống, nhìn mọi thứ nảy sinh không tách biệt khỏi trạng thái tỉnh thức. Bất cứ cách tiếp cận nào kể trên cũng đều khích lệ và khiến ta hăng hái khám phá nhiều hơn, nhưng nếu muốn tiến sâu và thực hành không thối chuyển, thì đến một lúc nào đó, trải nghiệm nỗi sợ là điều chúng ta không thể nào tránh khỏi.
Sợ hãi là một trải nghiệm phổ biến. Thậm chí loài côn trùng nhỏ nhất cũng biết sợ. Nhúng tay qua làn nước thủy triều, đưa ngón tay lại gần đám hải quỳ mở cánh, chúng sẽ lập tức khép lại. Mọi thứ diễn ra một cách tự phát. Sợ hãi khi đối diện với những điều chúng ta không biết chẳng phải là điều gì đáng xấu hổ. Nó chỉ là một phần của bản năng sinh tồn, tất cả chúng ta đều giống nhau. Chúng ta phản kháng với khả năng bị cô đơn, với cái chết, với việc không còn gì để có thể bám vào hay víu lấy. Sợ hãi là một phản ứng tự nhiên để tiến gần hơn tới chân lý.
Một khi quyết định không rời bước dù chuyện gì xảy ra, những gì chúng ta đã kinh qua sẽ trở nên rõ ràng sống động. Mọi thứ sáng tỏ hơn khi ta không còn nơi nào để chạy trốn.
[…]