Sách Chú Bé Rắc Rối - Nguyễn Nhật Ánh
NNA - Chú bé rắc rối
Sapo: Tình bạn là thứ tình cảm thiêng liêng, nó thể hiện qua sự quan tâm giúp đỡ lẫn nhau và cùng kề vai sát cánh trong mọi hoàn cảnh. Chú Bé Rắc Rối của Nguyễn Nhật Ánh đã xây dựng thành công tình bạn, tình yêu đẹp đẽ của tuổi học trò đầy mơ mộng, hãy cùng nhau ngắm nhìn những tình cảm thiêng liêng ấy trong tác phẩm này nhé!
Chân dung tác giả
Nguyễn Nhật Ánh là nhà văn tiêu biểu trong lĩnh vực viết truyện cho trẻ em, các tác phẩm của ông luôn mang một giọng văn nhẹ nhàng, mộc mạc và gần gũi với người đọc. Mỗi một tác phẩm của ông khi khép lại đều đọng lại trong lòng người đọc một niềm day dứt khó nói thành lời.
Chú Bé Rắc Rối là một trong những tác phẩm thành công của ông, và ở tác phẩm này ta lại bắt gặp một giọng văn rất đỗi Nguyễn Nhật Ánh. Thông qua tác phẩm, đọc giả có thể thấy được những góc nhìn ẩn chứa những điều tốt đẹp bên trong nó.
Về cuốn sách Chú Bé Rắc Rối
Truyện kể về thời học sinh của đôi bạn “cùng lùi” Nghi và An. Nếu như Nghi học giỏi sáng láng bao nhiêu thì chú bé rắc rối An lại học dở tối tăm bấy nhiêu. Nhưng bù lại An lại vô cùng thông minh và lém lỉnh, chuyên gây trò cười trong lớp, mỗi tội cậu chẳng muốn học bài mà thôi. Trái ngược nhau là thế nhưng 2 đứa trẻ này lại có một tình bạn thật đẹp biết bao, để rồi nảy sinh những tình huống dở khóc dở cười trong câu chuyện.
Đây là một câu chuyện với giọng văn hài hước, cách thắt nút, mở nút đầy thú vị và mượt mà của Nguyễn Nhật Ánh đã đưa người đọc đi từ rắc rối này đến rắc rối khác. Tuy nói là rắc rối nhưng không hề khó hiểu mà lại cực kì thú vị.
Do trong trường phát động phong trào “đôi bạn cùng tiến” nên Nghi bất đắc dĩ phải kèm cho An học. Từ đó mà hai đứa trẻ trái cực này mới trở nên thân thiết và gắn bó hơn. Những buổi chiều học kèm thì Nghi lại bị An rủ đi đá bóng, đi công viên, đi coi chiếu bóng… Lứa học trò nào mà chả ham chơi, mê những trò nghịch ngợm, phá phách. Hơn nữa An lại rất mạnh dạn cùng với Nghi nên đã phát hiện ra nhiều bí mật khủng khiếp.
Cũng từ nỗi sợ ma của Nghi mà An đã quyết định rủ Nghi đi khám phá lò thịt cũ để tìm ra sự thật. An có 2 người anh là Vĩnh và Dự. Anh Vĩnh là một thanh niên xung phong nên không được An coi trọng. Còn anh Dự thì lúc nào cũng bảnh bao và hay cho An tiền nên được An thích hơn. Từ khi anh Vĩnh được lên tivi trong chương trình người tốt việc tốt nên An đã bắt đầu thay đổi và trân trọng anh hơn. Dường như qua việc này độc giả sẽ thấy có một chút gì đó trân trọng dành cho những người tuy không giàu có về tiền bạc nhưng lại vô cùng rộng rãi về tình cảm.
Một câu chuyện kết thúc có hậu
Đây là một trong những tác phẩm hiếm hoi mang một kết thúc có hậu rất nổi bật của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Không còn là những cái kết có gì đó buồn hay đầy nước mắt như những câu chuyện khác. Truyện khiến cho người đọc nhớ lại kỉ niệm tuổi học trò của mình. Việc người học tốt hơn kèm người học yếu hơn là một phong trào rất nổi bật ở các lớp học. Tuy nhiên trường hợp này người học yếu lại không học tốt hơn mà người học tốt hơn lại bị dụ cho lơ đãng việc học hành.
Các tình huống trong truyện được đan xen, nối tiếp nhau đã tạo nên sự hấp dẫn và đầy thú vị cho tác phẩm. Mang đến cao trào khi phát hiện được sự thật về anh Dự – anh cả của An. Cuối cùng là một cái kết trọn vẹn khi người anh thứ 2 đã tình nguyện đăng ký đi thanh niên xung phong và được nêu gương “người tốt việc tốt”. Bên cạnh đó chính là sự đề cao tình bạn trong sáng, gắn bó giữa An và Nghi mà tác giả muốn nhắn nhủ những ai vẫn còn đang ở lứa tuổi học trò tươi đẹp.