Sách Vượt Bẫy Cảm Xúc
“Vượt bẫy cảm xúc”
- Biến cảm xúc khó chịu thành nguồn năng lượng và ngọn hải đăng chỉ đường -
Lo lắng. Bất an. Xấu hổ. Chán nản. Hoài nghi. Buồn bã. Cô đơn. Khi có một cảm xúc tiêu cực như vậy dấy lên trong lòng, bạn thường sẽ phản ứng ra sao?
Có người bị cuốn theo cảm xúc để rồi hành động bộc phát. Có người ngay lập tức gạt phăng cảm xúc qua một bên, coi chúng như vật cản đường. Số khác để mình sa lầy trong cảm xúc, đắm chìm trong u ám. Có người thì để cảm xúc tiêu cực dẫn dắt đến những quyết định thiếu chín chắn.
Các kiểu phản ứng nói trên đều không lành mạnh. Chúng cứng nhắc và thiếu sáng suốt, nhưng lại rất bản năng, chúng hoàn toàn tự động và đầy cám dỗ, giống như những chiếc “móc câu” khiến bạn dễ dàng mắc vào rồi “chật vật vùng vẫy như cá sắp bị lên thớt”, như chuyên gia tâm lý Susan David ví von.
Với hơn 20 năm nghiên cứu về cảm xúc, vị chuyên gia tâm lý đến từ Khoa Y của Đại học Harvard sẽ chỉ dẫn bạn đọc cách đón nhận cảm xúc linh hoạt và sáng suốt hơn thông qua cuốn sách “Vượt bẫy cảm xúc” (tựa gốc: “Emotional Agility”).
Khi cầm cuốn sách này trên tay, bạn sẽ có được một quy trình “ứng phó linh hoạt với cảm xúc” mà trong đó, bước đầu tiên là nhận biết cảm xúc, sau đó là tách rời cảm xúc ra khỏi bạn. Hay nói như Susan, bạn cần “mở ra một khoảng không gian giữa những gì bạn cảm nhận và phản ứng của bạn với những cảm nhận đó”. Theo tác giả, việc “thoát ly” khỏi cảm xúc sẽ giúp bạn nhận ra mình có nhiều lựa chọn hơn so với khi cứ bám theo khuynh hướng xử lý cảm xúc một cách cứng nhắc.
Sau khi giúp bạn thoát khỏi những chiếc “móc câu” cảm xúc tai hại, ở phần sau của quy trình, Susan hướng dẫn cách bạn hoà hợp suy nghĩ và cảm xúc với các giá trị, mục tiêu dài hạn và khát vọng của mình. Không những vậy, bà còn chỉ ra những chiếc “bẫy” cảm xúc phổ biến trên hành trình xây dựng cuộc sống như mong muốn, và cho chúng ta biết năng lực “linh hoạt cảm xúc” quan trọng như thế nào trên hành trình đó.
Susan David tin rằng thay vì để cảm xúc khó chịu làm bạn chệch khỏi mục tiêu đã định, bạn hoàn toàn có thể đón nhận chúng “như một nguồn cung cấp năng lượng, sự sáng tạo và sự thấu hiểu”, và như ngọn hải đăng chỉ đường để hướng bạn về phía những khát khao cháy bỏng nhất của mình.
“Mục tiêu cuối cùng của sự linh hoạt trong cảm xúc là giúp bạn có thể nhận ra và vững vàng đón nhận thử thách cũng như nắm bắt các cơ hội phát triển trong suốt hành trình cuộc đời mình”, Susan David viết.
“Vượt bẫy cảm xúc” có nội dung cô đọng, khoa học nhưng không khô khan, chứa đầy những câu chuyện và nghiên cứu tâm lý thú vị. Cuốn sách từng lọt vào top 1 danh sách những cuốn sách bán chạy của Wall Street Journal, đạt danh hiệu cuốn sách của năm (Best Book of the Year) trên Amazon. Đây là một tác phẩm cần thiết cho bất cứ ai gặp khó khăn với cảm xúc, đặc biệt là những độc giả đang trong chặng đường đầu tiên của hành trình sống hoà hợp với chính mình.
Báo chí và người nổi tiếng nói gì về “Vượt bẫy cảm xúc”?
“Một phương pháp có vẻ đi ngược với bản năng con người nhưng lại vô cùng hiệu quả trong việc giúp bạn phát huy tối đa tiềm lực của bản thân” - F
“Susan David nhìn nhận lợi ích của nỗi buồn, sự giận dữ, cảm giác tội lỗi và nỗi sợ, và sau đó chỉ cho chúng ta cách để không bị chúng kiểm soát” - Adam Grant, tác giả của Originals, Give and Take.
“Susan David dạy chúng ta hiểu và giao tiếp thứ ngôn ngữ không lời của cảm xúc. Đây là một cuốn sách vô cùng có ý nghĩa” - Susan Cain, tác giả của Quiet.
Về tác giả
Susan David là chuyên gia tâm lý y khoa của Khoa Y Đại học Harvard, nhà đồng sáng lập và đồng chủ tịch của Viện Khai vấn tại Bệnh viện McLean, CEO của tổ chức tư vấn quản lý kinh doanh Evidence Based Psychology.
Các bài viết và nghiên cứu của bà đã được đăng trên The New York Times, Harvard Business Review, Washington Post, Wall Street Journal, Time. Ngoài ra, bà còn là diễn giả và nhà tư vấn, có kinh nghiệm tham vấn với lãnh đạo cấp cao của Google, Microsoft, Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Liên hợp quốc…
Susan có bằng tiến sĩ ngành tâm lý học lâm sàng và văn bằng sau tiến sĩ về nghiên cứu cảm xúc con người của Đại học Yale.