Sức Mạnh Của Tỉnh Thức
Thỉnh thoảng, bạn có thể băn khoăn: “Mình đang nghĩ gì vậy nhỉ?”, “Bây giờ tâm trí của mình đang ở đâu?” Nếu để ý, bạn sẽ thấy có nhiều lúc thân xác và tâm trí của chúng ta thường không cùng ở một nơi. Bạn có thể đang ngồi tại nhà nhưng tâm trí lại ở nơi làm việc. Hoặc khi bạn đang ngồi tại bàn làm việc nhưng tâm trí thì lại lang thang khắp nơi. Hay nhiều lúc bạn cầm điện thoại lên để làm gì đó nhưng lại quên mất rồi theo thói quen lướt web hay mạng xã hội.
Khi tự mình đặt ra những câu hỏi này, bạn sẽ bắt đầu nhận ra tâm trí mình thường bị mất kết nối với hiện tại như thế nào. Nhưng sau khi nhận ra thì chúng ta nên làm gì? Chúng ta có nên tự trách mình vì đã lơ đãng, vì làm việc không hiệu quả hay vì để lỡ mất thời gian thư giãn ít ỏi không?
Nghiên cứu từ Harvard cho thấy tâm trí lang thang trung bình 47% thời gian thức của chúng ta, tức là (tâm trí) chúng ta không có ở đây, hiện diện trong thân thể này. Vậy liệu ta có thể kiểm soát tâm trí để giữ nó luôn tập trung không?
Cuốn sách “Sức mạnh của tỉnh thức” tập hợp những nghiên cứu khoa học về sự chú ý, chánh niệm, khả năng phục hồi và khả biến thần kinh não bộ. Tâm lý học hiện đại đã chứng minh bộ não có thể thay đổi chức năng và cấu trúc của nó để đáp ứng những trải nghiệm của tâm trí. Đồng thời còn dạy ta cách thấu tỏ tâm trí và ý thức, từ đó rèn luyện lối sống tỉnh thức để khỏe mạnh toàn diện và cân bằng cuộc sống.
Trong cuốn sách này, Daniel J. Siegel và Marion F. Solomon cùng với nhiều tác giả hàng đầu thảo luận về các chủ đề như: sự chú ý, khả năng phục hồi và chánh niệm; sự mềm dẻo thần kinh, hay cách não thay đổi chức năng và cấu trúc của nó để phù hợp với trải nghiệm cá nhân mỗi người.
Bạn đọc sẽ lần đầu tiên được nghe nhà thần kinh học, Tiến sĩ Amishi P. Jha và các đồng nghiệp của ông trình bày nghiên cứu của họ về sự chú ý, khả năng phục hồi và chánh niệm. Đó là kết quả làm việc của họ với các chuyên gia ở các lĩnh vực chịu áp lực cao, như chính khách cấp cao và quân đội. Nội dung các buổi thuyết trình được định dạng lại theo cấu trúc chương – một cách tiếp cận ngoại lệ để các kiến thức nghiên cứu khô khan trở nên mới mẻ, thú vị và thuận tiện cho xuất bản. Những hiểu biết của các chuyên gia cho chúng ta thấy rằng việc rèn luyện tâm trí để tập trung sự chú ý và cởi mở nhận thức sẽ là nền tảng để xây dựng khả năng phục hồi tốt hơn và giảm tình trạng kiệt sức.
Tiếp theo, bạn sẽ có cơ hội làm quen với khái niệm, nhận thức yêu thương - nền móng cho cuộc sống tỉnh thức. Nhận thức yêu thương có nghĩa là nhận thức bản thân tràn ngập tình yêu và trải nghiệm sự yêu thích nhận thức. Chúng ta sẽ học cách tạo nguồn năng lượng tích cực, từ đó nâng cao khả năng tập trung chú ý, mở mang nhận thức và bồi đắp lòng nhân ái, sự thương xót và tử tế với thế giới nội tâm cũng như thế giới nhân sinh xung quanh.
Chúng ta cũng được truyền cảm hứng để nhìn nhận chánh niệm với các thành phần gồm sự chú ý, ý định và một thái độ tử tế cho rằng tâm trí tỉnh thức được lấp đầy bằng sự quan tâm tích cực đến bản thân và những người xung quanh. Xuyên suốt cuốn sách, bạn sẽ được trải nghiệm nguyên tắc “thực hành giúp củng cố những gì đã học” và đây cũng là nguyên tắc để tiếp cận những cách thức khiến tâm trí biến đổi từ một trạng thái, trong quá trình luyện tập, trở thành một đặc điểm trong lối sống lâu dài giúp chúng ta sống tỉnh thức hơn.
Và cuối cùng, chúng ta hiểu rằng nhận thức về thế giới bên trong của chúng ta với lòng tốt và lòng trắc ẩn – trong sự tỉnh thức – có thể giúp giảm bớt tình trạng nghiện ngập cũng như những vấn đề khác mà chúng ta chịu đựng trên suốt hành trình sống của mình.