Văn Học Sài Gòn 1954-1975: Những Chuyện Bên Lề
Nhà văn Lê Văn Nghĩa vừa ra mắt sách biên soạn "Văn học Sài Gòn 1954-1975 - Những chuyện bên lề" (NXB Tổng hợp TP HCM ấn hành 2020). Với nhan đề này, ta thấy rằng đây không phải là công trình nghiên cứu chính thống có lớp lang, có hệ thống mà chỉ là các câu chuyện mang tính chất trà dư tửu hậu. Đại loại, loại sách kể về chuyện vui, giai thoại của nhà văn thì trước đây, các nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi, Hoàng Minh Châu, Nguyễn Trọng Tạo, Đông Trình… cũng đã biên soạn, tất nhiên trong đó không có các nhà văn miền Nam trước 1975.
Với nhà văn Lê Văn Nghĩa lại khác, dù vẫn là các giai thoại nhưng là của nhà văn miền Nam. Các giai thoại được truyền miệng, kể cho nhau nghe, khó có thể biết đâu là trình xác thực của nó. Hơn nữa, nói rốt ráo thì bản chất câu chuyện cũng không ảnh hưởng đến giá trị của tác giả - tác phẩm. Không ai căn cứ vào đó để phán xét về giá trị tác phẩm, vì lẽ đó, khi đọc ta cần có cảm nhận "nghe cho vui" là vậy. Đúng như người biên soạn cho biết: "Đọc lên thấy vui vui, ngồ ngộ cũng giúp cho người đọc khám phá một chút gì đó, mặc dù không chính thống, chỉ là một loại "ngoại văn sử"; ai tin thì tin, không tin thì cũng chẳng mất gì" (tr. 6).
Tuy nhiên, bên cạnh các giai thoại, trong chừng mực nào đó, nhà văn Lê Văn Nghĩa cố gắng phân tích, đi sâu vào một vài cá tính độc đáo của dòng văn học miền Nam. Trong đó, có thể kể đến những vấn đề như nhóm Nhân Loại, Sáng Tạo. Bách Khoa, Trình Bày… hoặc Nguyễn Vỹ với "Thơ lên ruột", kinh nghiệm viết văn của Bình Nguyên Lộc… Dù chỉ mới dừng lại ở đôi nét lướt qua, "cưỡi ngựa xem hoa" nhưng cũng ít nhiều cho thấy sự nghiêm túc. Cũng do nhờ tập trung nhiều mẩu chuyện diễn ra trong khoảng thời gian 1954-1975, ta có thể phần nào hình dung ra không khí văn chương, tâm thế làm văn nghệ của nhiều lớp người thời đó ở miền Nam. Đây cũng là điều hấp dẫn và cần có trong sự tiếp cận của bạn đọc.