Free Shipping for Orders over 150USDㅤ✨ Chúc mừng Sachnhanvan.com đã có mặt hơn 200 quốc gia như Mỹ, Canada, Úc, Nhật, Hàn, và các nước Châu Âu✨ Buy More Get Moreㅤ ✨ㅤ Sale up to 30% ㅤ✨ㅤ Get voucher up to $195ㅤ ✨ㅤ SHOP NOW ⬇
sachnhanvan.com
Cart
Checkout
Hotline 24/7
| English (EN) | USD

Cánh cổng sát nhân (Higashino Keigo) – Phiên bản nam của những Yukiho

"Tajima Kazuyuki đã ấp ủ ý định sát hại Kuramochi Osamu từ thủa học tiểu học, khi mối quan hệ giữa họ còn đầy vui vẻ và ngây thơ. Dù cho suy nghĩ về cái chết của Kuramochi là một hồi chuông không ngừng vang vọng trong tâm trí Kazuyuki, khoảng cách từ ý định tới hành động lại là một hành trình mà anh chưa bao giờ bắt đầu. Thay vào đó, mối quan hệ của họ, vượt qua thời gian và không gian, vẫn luôn được duy trì - một sợi dây vô hình kỳ lạ giữa họ, không thể cắt đứt. Dù Kazuyuki có cố gắng thoát khỏi, cố gắng quẫy đạp để rời xa, nhưng cuộc đời anh, theo một cách nào đó, vẫn luôn quấn quýt bên Kuramochi, như một số phận không thể tránh khỏi."

cánh cổng sát nhân

“Phiên bản lỗi”, tiền thân của tôm pháo và cá bống trắng

Chắc hẳn, độc giả trinh thám đã không còn quá xa lạ với mối quan hệ cộng sinh hiện hình qua cặp hình ảnh tôm pháo và cá bống trắng, khi nhắc tới mối dây khăng khít giữa Yukiho và Ryoji trong tiểu thuyết Bạch Dạ Hành. Để rồi lần nữa, hình ảnh ấy như tái hiện lại trong mối quan hệ đầy độc hại giữa Tajima Kazuyuki và Kuramochi Osamu ở tiểu thuyết Cánh cổng sát nhân được Higashino Keigo sáng tác vào năm 2003, 4 năm sau khi ông viết Bạch dạ hành.

Trong mối quan hệ giữa Kazuyuki và Kuramochi, khái niệm về sự cộng sinh mà ta thường hiểu biến thành một phiên bản méo mó, nơi chỉ một bên thu lợi trong khi bên kia, dù chịu tổn thất, vẫn bám trụ, không rời. Mối liên kết giữa họ không hoàn toàn là kẻ săn mồi và con mồi, mà phức tạp hơn, đầy rẫy sự chấp nhận đau thương. Một bên cứ mãi chịu đựng, trong khi bên kia thu vén lợi ích, đan xen trong một vòng lẩn quẩn của mối quan hệ không thể tách rời. Có lẽ, mô tả mối quan hệ này dưới góc nhìn của "Cánh cổng sát nhân" là như một sự cộng sinh biến chất - một sự phụ thuộc đầy sai lầm, giống như một trò chơi số phận nơi một "quân cờ thí mạng" không ngừng hy sinh vì lợi ích của người kia, dựa theo lời khuyên đầy sarkasm từ người thầy đường đời của Kuramochi.

Mà với trường hợp này, “cá bống trắng” đóng vai trò “quân cờ thí mạng”, chính để dành cho hoàn cảnh của Kazuyuki. Con người luôn tự ý thức, bản thân mãi chìm trong bóng tối, dù có vẫy vùng vượt thoát với khát khao bé mọn sẽ được sống một cuộc đời dẫu nghèo khó song bình dị, trầm lặng, thì tới cuối cùng, vẫn chẳng thoát nổi bàn tay của “tôm pháo” ti tiện nhưng luôn được lòng tất cả những người xung quanh và rạng rỡ bước đi dưới ánh mặt trời, Kuramochi.

Để trở thành một "tôm pháo" đỉnh cao như vậy, Kuramochi đã hiểu rõ tâm lý con người đến kỳ lạ, từ những người già cô đơn tới những thanh niên đầy khát vọng tự khẳng định, từ những cô gái trẻ ngây thơ đến những người phóng đãng hay những bộ óc thông minh, chín chắn. Dù biết rằng mình bị dối trá, và Kuramochi không phải là người tốt, họ vẫn không thể không quan tâm đến hắn. Trong số họ, người mà Kuramochi hiểu rõ nhất, là Kazuyuki - "cậu ấm" tự cho mình là thông minh, có hiểu biết sâu sắc, với niềm đam mê kỳ lạ về độc dược và giết người, mơ ước về một vụ án mạng hoàn hảo không dấu vết. Nhưng thực tế, Kazuyuki lại chính là người mềm yếu, dễ bị điều khiển hơn ai hết, cuối cùng lại sa chân vào lối mòn của những người mà anh từng coi thường.

Kuramochi cướp đi mọi thứ Kazuyuki nâng niu, khao khát, khơi dậy những mặt tăm tối trong con người này, ngay cả lòng hận thù, chống đối với gã bằng những hành động, lời nói, toan tính vô tình và “vô tội” hết mực. Bởi gã khơi gợi, song chính Kazuyuki mới là kẻ thực hiện, đi theo con đường gã ngầm vạch ra. “Tôm pháo” ti tiện, đứng sau giật dây, thao túng “cá bống trắng”, chỉ “cướp đi” và khiến “cá bống trắng” trở nên “khổ sở” song chưa khi nào hoàn toàn “hủy hoại”.

Cuối cùng, dù mối quan hệ "cộng sinh độc hại" này đạt đến đỉnh điểm, "cá bống trắng" vẫn không thể thoát khỏi sự thống trị của "tôm pháo". Sự thao túng tinh vi và ánh mắt kiểm soát của "tôm pháo" đã ăn sâu vào tâm trí, tựa như dù "cánh cổng sát nhân" có được mở ra, cái nhìn nặng nề của định mệnh vẫn luôn bám riết lấy người bị bỏ lại phía sau.

Như vậy, không phải chăng, Kuramochi - với lòng dạ ti tiện, tâm địa độc ác, sự hiểu biết sâu sắc về con người và khả năng điều khiển tâm lý người khác - là hiện thân nam giới của những "tôm pháo" như Yukiho và Mifuyu trước đây? "Cánh cổng sát nhân", qua lăng kính và giọng kể của một "cá bống trắng" từ năm 2003, càng thêm phần âm u và tối tăm. Liệu có thể thao túng con người đến mức đó không? Và một người, liệu có thể mãi mãi mù quáng như vậy không?

cánh cổng sát nhân keigo

Ác ý, đố kị và thứ sát ý, lòng tốt nửa vời

Và câu trả lời, là có thể. Khi một bên quá đỗi lọc lõi, mang ác ý lẫn lòng đố kị chất chồng đi cùng với một bên, ý thức rất rõ về “ác ý” song thiếu kinh nghiệm sống, thiếu vốn xã hội trầm trọng lẫn sự nửa vời không thể chối bỏ, từ thứ “sát ý” nửa chừng” đến thứ lòng tốt “hời hợt” đó.

Vốn là một tác giả luôn trăn trở về hai chữ “ác ý” trong mỗi người ngay những năm tháng người đó còn thơ ấu, quả tình, biểu hiện “ác ý” ở từng tác phẩm của Keigo tiên sinh, từ các sáng tác vào quãng thời gian trước năm 2000 đến mãi về sau, luôn hết sức đa dạng. Nhưng tựu trung, dù cách thức ác ý bộc lộ thành hành động có khác nhau, thì đều gặp nhau ở nguyên nhân và mục đích: xuất phát từ sự đố kị và khát khao, mong ước kẻ khác gặp bất hạnh.

Giống với cách, thằng bé Kuramochi năm ấy, qua tác động ngoại cảnh khách quan, đã dần hình thành tâm lí khinh bạc, ganh ghét mà đi đến hình thành ác ý hiển hiện trên sự lừa lọc, dối trá như thế nào. “Ác ý” hướng đến Kazuyuki nhưng có lẽ, với một Kuramochi đầy tham vọng, “căm ghét sự nghèo khổ từ tận đáy tâm can”, thì cái ác chảy trong suy tưởng đó, còn hướng tới tất cả con người và cuộc đời này. Bất cứ ai giàu có hơn hắn, bất cứ ai sống cuộc đời hoàn mĩ hơn hắn.

Nhưng “cái ác” hẳn sẽ chẳng thể thực hiện nếu xung quanh, không tồn tại thứ lòng tốt nửa vời.

Vẫn có câu nói rằng, ai cũng là nạn nhân trong chính câu chuyện của mình. Câu nói đó sai ở đâu không rõ, song với trường hợp Cánh cổng sát nhân, thì lại đúng đến rợn người. Bởi dưới góc nhìn thứ nhất, người kể chuyện xưng “tôi”, một cách hữu hình và có ý đồ, Keigo tiên sinh như đã xây dựng lên một Kazuyuki luôn mang tâm thế, bản thân là nạn nhân của “cơn gió bất hạnh” mang tên Kuramochi.

Nhưng liệu Kazuyuki có thực sự chỉ là nạn nhân trong câu chuyện này? Trong tâm hồn anh ta chứa đựng những bí ẩn đen tối, những rẽ quặt của sự ích kỷ đã mọc rễ từ thuở nhỏ. Kazuyuki luôn chạy theo lợi ích trước mắt, bỏ qua bức tranh lớn hơn. Anh ta sống một cuộc đời lạnh lùng, yêu đuối nhưng không bao giờ dám thừa nhận. Kazuyuki chưa từng đối mặt hoặc giữ gìn những điều quen thuộc, để chúng không trôi dạt xa mình. Anh dựa vào sự nhạy cảm nhưng không nhận ra mình lại ngây thơ đến mức nào.

Kazuyuki mơ về một cuộc sống yên bình nhưng chưa bao giờ thực sự chiến đấu vì nó. Anh vừa hèn nhát vừa ích kỷ, không kém gì người đàn ông mà anh tuyệt giao. Kazuyuki tồn tại trong một mớ bòng bong của tình cảm nửa vời, khát khao không rõ ràng, đánh mất bản thân trong cuộc tìm kiếm yên bình chưa bao giờ thật sự bắt đầu.

Nên chăng, khơi nguồn bất hạnh xuất phát từ ác ý và thứ ác ý đó, được nuôi dưỡng trong thứ dung môi của một dạng lòng tốt luôn suy tính thiệt hơn. Đây, hẳn cũng là tiền đề cho mối quan hệ độc hại mà khó lòng tách rời giữa “tôm pháo” với “cá bống trắng”. Giống như, Kuramochi có chết, thì thứ “biểu tượng” Kuramochi vẫn mãi ám ảnh tới kẻ nào sống hời hợt trong cuộc đời của chính mình.

cánh cổng sát nhân nhã nam

Cuốn tiểu thuyết được kể từ ngôi thứ nhất

Quả thực, trong văn nghiệp đồ sộ của Higashino Keigo, không nhiều tác phẩm được kể ở ngôi thứ nhất mà có dung lượng dày dặn như Cánh cổng sát nhân. Một thứ điểm nhìn, quả tình đã dẫn dắt người đọc vào thế giới tạo tác lên từ lăng kính đầy tính chủ quan của người kể chuyện và cũng rất dễ, đưa độc giả xuôi theo dòng cảm xúc mà đồng cảm với “cái tôi” nạn nhân bất hạnh kia.

Song sáng tác của Keigo tiên sinh luôn đa chiều, đa diện, nên tiếp nhận, luôn phải đứng từ nhiều khía cạnh để nhận định, đánh giá; cũng như mối quan hệ cộng sinh hay triệt hạ, phải tới từ nhiều phía vậy. Và không phải ngẫu nhiên, Sakura, người thầy đầu tiên dẫn dắt Kuramochi vào cuộc đời đầy dối lừa, lại nói Kuramochi “phức tạp” hay “người cậu ta có thể thực lòng tin tưởng, lại là người cậu ta chọn ra để làm quân cờ thí mạng. Cho nên đối với cậu ta, cậu là một người bạn thân.”

Bởi rằng, dẫu khác gia cảnh, tính cách, thì cũng đã có một khoảng thời gian, Kazuyuki và Kuramochi gắn bó với nhau. Vì, tới tận cùng, hai con người này, đã thật cô đơn biết bao, suốt từ thời niên thiếu. Một kẻ chẳng thể tin tưởng bất kì ai với một người, gần trọn thời gian ấu thơ tới trưởng thành, vẫn luôn là một tồn tại, cô lập giữa cộng đồng.

Cho nên, Cánh cổng sát nhân hẳn không đơn thuần chỉ biểu tượng cho ranh giới từ sát ý trở thành sát nhân. Mà có lẽ, đó còn là cánh cổng của tâm tưởng, một kẻ đã tiến đến, giết chết một phần cái tôi khác của bản thân vậy.

Cánh cổng sát nhân, trở nên “mới lạ” dẫu sáng tác từ đầu những năm 2000 là vì thế chăng. Và hẳn, cũng từ khía cạnh, đây cũng là một cuốn tiểu thuyết khá hiếm hoi, Keigo tiên sinh, thay vì xây dựng, tô đậm mẫu hình những người phụ nữ “đáng sợ”, ông lại tạo dựng lên một gã đàn ông ti tiện, toan tính và đầy thủ đoạn như thế.

SHARE

Leave a comment

0/300

0 comment

Be the first to comment

Related post

Corporate group site