Dư Hoa: “Ở tuổi 21, tôi bị cuốn hút bởi Kawabata”
Là một trong những nhà văn thuộc thế hệ tiên phong của văn học Trung Quốc sau thời mở cửa, Dư Hoa là tên tuổi lớn luôn được chờ đón mỗi khi có tác phẩm mới ra mắt. Văn nghiệp của ông tương đối đa dạng với nhiều tác phẩm ở nhiều thể loại, từ hiện thực, châm biếm cho đến huyền ảo… Những năm gần đây cùng với Tàn Tuyết, ông được nhắm đến cho vị trí mới nhất của giải Nobel Văn Chương sau đúng một “giáp” mà Mạc Ngôn đã giành được vào năm 2012.
Bài phỏng vấn sau đây được đăng tải trên The Paris Review số mùa đông 2023.
Quay về giai đoạn đầu đời, ông đã đọc gì khi còn trẻ?
Ngoài tuyển tập của Mao Trạch Đông, thì tất cả những gì mà chúng tôi có là sách y học, sách cấp 1, cấp 2 và toàn là Lỗ Tấn. Cũng vì thế nên hồi đó tôi không thích ông ấy chút nào, mặc dù sau này tôi lại thấy thích. Vào những ngày sau Cách mạng Văn hóa, khi thư viện trong thị trấn mở cửa trở lại, thì có khoảng 30 hay 40 cuốn mà họ gọi là văn học cách mạng. Loại này được phép và tôi đã đọc tất cả. Nhưng có một số ít tiểu thuyết được truyền khắp trường một cách bí mật, để khi đến tay của tôi thì nó đã mất bìa trước hoặc là bìa sau, thiếu 10 trang đầu hay 10 trang cuối, do đó mà tôi thậm chí còn không biết nó có tựa là gì hay ai viết ra. Theo kinh nghiệm của tôi, ta có thể sống mà không biết câu chuyện bắt đầu thế nào, nhưng không chịu được khi không biết rõ cái kết. Nó như là cực hình vậy. Vì vậy tôi đã tự mình bịa ra cái kết, và các bạn cùng lớp thường tụ tập xung quanh để nghe những ý tưởng này. Bây giờ nghĩ lại, tôi nhận ra rằng đó có thể là nơi sự nghiệp viết văn của mình bắt đầu.
Các tác phẩm đã chuyển ngữ của Dư Hoa
Ông có bị ảnh hưởng bởi thế hệ tác giả Trung Quốc đi trước không?
Khi tôi bắt đầu viết văn, văn học lúc ấy chủ yếu là văn học vết thương. Chúng bày tỏ sự phẫn nộ đối với Cách mạng Văn hóa. Tôi quan tâm đến Vương Tăng Kỳ vì ông ấy xử lí nỗi đau tinh thần theo cách vô cùng độc đáo. Tôi đã đọc truyện của ông ấy vào năm 1980 và thấy rằng chúng rất hay. Những người giỏi nhất trong thế hệ đó có một điểm chung là họ rất khuyến khích các nhà văn trẻ; trong khi những người hạng 2, hạng 3 thì đối xử tệ với thế hệ tôi, như thể chúng tôi đang đe dọa chiếm lấy vị trí của họ vậy.
Tuy nhiên nhà văn tôi say mê nhất vẫn là Kawabata. Tôi đã đọc Vũ nữ Izu và tôi say mê ông ấy trong vòng 4 năm. Tôi đọc mọi thứ mà mình có được, từ Ngàn cánh hạc, Cố đô, Xứ tuyết, mà tôi vẫn nghĩ là hay nhất… Kawabata đã dạy tôi rằng chính chi tiết, chứ không phải cốt truyện, mới tạo nên thứ gì đó đáng đọc, rằng những tác phẩm vĩ đại không phải là chuỗi sự kiện mà là tập hợp chi tiết khó quên. Đó là điều mà độc giả cảm động, cốt truyện chỉ đơn thuần là thú vị thôi. Ở tuổi 21, tôi hoàn toàn bị cuốn hút bởi một trong những câu chuyện của ông. Đó là về một người phụ nữ có chồng sắp cưới đang tham chiến, và lo lắng rằng anh sẽ chết trận. Khi ấy cô đã đến thăm một ngôi nhà đang xây dựng dở ở khu vực lân cận, và suy đoán xem ai sẽ sống ở đó khi nó hoàn thành. Nó khá cổ điển và đã trở thành lý tưởng của tôi, về một câu chuyện không có nhân vật chính, chỉ có các nhân vật phụ mà thôi. Ông ấy đã cho tôi thấy không cần phải viết theo tiến trình tường thuật chặt chẽ, mà cũng có thể đảo ngược lại nó.
Với ông thì viết tiểu thuyết có khác biệt nhiều so với khi viết truyện ngắn không?
Tôi luôn cảm thấy viết truyện ngắn giống như là làm một công việc có hạn định vậy. Tôi có thể thực hiện chúng theo lịch trình, và chắc chắn sẽ hoàn thành được trong 1 hoặc là vài ngày. Tiểu thuyết thì không thể làm theo cách đó. Qua nhiều năm làm việc, ý thức của anh thay đổi cuốn sách. Anh hiểu sâu hơn về các nhân vật, anh và họ như sống cùng nhau. Khi tôi viết được nửa chừng cuốn sách, họ bắt đầu nói những điều theo ý mình. Đôi khi tôi nghĩ những điều ấy thậm chí còn tốt hơn khi tự mình tưởng tượng.
Cảnh trong phim Phải sống (1994) của Trương Nghệ Mưu chuyển thể từ tiểu thuyết Sống của Dư Hoa. Ảnh MUBI
Ông đã nói việc viết lách chia đôi cuộc đời?
Vâng, anh sống một cuộc đời tưởng tượng và một cuộc đời khác trong thực tế. Khi cuộc sống đầu tiên phát triển, cuộc sống thứ hai co lại, không cách nào khác cả. Anh càng viết nhiều, thế giới tưởng tượng này càng giãn ra. Và cuộc sống còn lại là ngồi trên ghế, hoàn toàn im lặng, nơi cơ thể anh vẫn còn ở đó. Hoặc có thể chân của anh nhịp lên nhịp xuống, Mạc Ngôn chính là kiểu ấy, khi ông chìm đắm vào việc viết [1].
Ông viết có dễ dàng không, có nhiều bản nháp không?
Nhìn chung, mất đâu đó khoảng một năm để hoàn thành cuốn sách. Tôi thường viết tay, sau đó tôi sẽ xem xét bản nháp trong 1 hoặc là 2 tháng để chỉnh sửa, rồi lại đặt nó ở một chỗ khác, rồi 1 hoặc 2 tháng tiếp theo sẽ chỉnh sửa tiếp. Vào thời điểm bản thảo thứ hai được tinh chỉnh, tôi gần như đã hình dung được nó sẽ diễn ra thế nào. Nhưng trong khi tôi đang chỉnh sửa, tôi thường rơi nước mắt… Chỉ khi đọc hết qua một lần đọc, anh mới hiểu được sức mạnh của nó. Hồi đó chúng tôi không có khăn giấy, và cuối cùng điều tôi phải làm là quấn chiếc khăn quanh tay, dùng nó lau mặt và viết bằng tay còn lại.
Ông có thường khóc khi viết không?
Tôi nghĩ nếu một nhà văn thậm chí không thể tự xúc động với những gì mình viết thì có lẽ họ cũng sẽ không lay động được độc giả của mình. Tôi nhớ khi tôi viết Huynh đệ tôi đã khóc rất nhiều, có cả nước mũi những thứ khác, đến nỗi vợ tôi sẽ bước vào và nhìn thấy một núi khăn giấy đã qua sử dụng ở bên cạnh mình. Lúc này chúng tôi đã có khăn giấy.
Nhưng những cuốn sách đó cũng khá buồn cười.
Sống cần một chút hài hước vì nếu không thì tôi sẽ không thể tiếp tục được. Tôi nghe nói rằng nó rất khó đọc. Trương Nghệ Mưu, đạo diễn bộ phim chuyển thể, đã nói với tôi rằng người xem sẽ khó cảm nhận được nó, nhưng tôi cũng cảm thấy thế!
Ông nghĩ gì về cái kết hạnh phúc hơn của bộ phim?
Tôi yêu bộ phim. Chỉ có kẻ ngốc mới trung thành với nguyên tác, bởi họ là kẻ không có ý tưởng riêng, tất cả những gì họ có thể làm là lùng sục tài liệu và tái hiện nó. Nhân tiện, tôi chưa bao giờ xem bộ phim truyền hình dài tập này. Phim quá dài, mà nếu TV cứ bật mãi thì tôi không chịu nổi.
Kawabata là một trong những nguồn cảm hứng của Dư Hoa
Ông có tưởng tượng cuốn sách sẽ trở thành một tác phẩm kinh điển không?
Với tựa đề Sống, cuốn sách không hề có ý định chết đi! Nhưng mong muốn lớn nhất của tôi là tạp chí nào đó đăng nó nhiều kì và đặt nó lên đầu mục lục, điều mà cuối cùng tôi cũng làm được. Tôi chưa bao giờ có thể tưởng tượng được nó sẽ bán chạy. Tôi nghe nói nó đã bán được tới 20 triệu bản ở Trung Quốc, không bao gồm sách nói, sách điện tử hoặc các bản lậu. Nhà xuất bản của tôi nói rằng tôi phải bán được ít nhất 50 triệu bản lậu đấy.
Phiên bản tiếng Anh của Sống cũng khá tốt. Bây giờ anh nhận được tiền bản quyền 2 năm 1 lần phải không [2].
Không. Đến giờ họ vẫn chưa cho tôi một xu nào cả.
Không thể nào thế!
Tôi sẽ hỏi han về vấn đề này. Nhưng ông có thấy phiền khi sách của mình bị sao chép lậu không?
Tôi không phản đối. Tất cả những bộ phim tôi xem đều là phim lậu, và với tất cả các nhà làm phim ngoài kia, tôi xin lỗi, nhưng những thể loại tôi thích không chiếu ở rạp, vì vậy đó là cách duy nhất tôi có thể xem chúng! Nhân tiện, thật đáng kinh ngạc khi Liên hoan phim Cannes kết thúc vào tháng 5 và đến tháng 8 hoặc tháng 9, thì chúng ta có thể xem phim với phụ đề được dịch.
Ông có thường xuyên gặp khó khăn hoặc bỏ dở công việc không?
Nhà văn Dư Hoa. Ảnh The Paris Review
Hiện tại, tôi có 3 cuốn sách vẫn đang dang dở, tôi cứ tự nhủ mình không được làm gì khác ngoài việc cố gắng hồi sinh hết cả 3 cuốn. Nhưng thời gian để làm việc đó ngày càng ít đi, và cũng thật khó để anh có thể hồi tưởng bản thân thật sự ở đó như khi mới bắt đầu viết. Tôi đã mất tận 21 năm để hoàn thành Thành phố bị mất.
Ông đã duy trì lại mạch cảm xúc đó bằng cách nào?
Những ghi chú của tôi cực kì quan trọng. Trong tất cả những cuốn sách của tôi, nó là cuốn nhắc đến lịch sử sâu sắc nhất, vì vậy tôi cần phải thực hiện rất nhiều nghiên cứu về lịch sử và văn chương. Chỉ riêng điều đó thôi đã mất của tôi gần 2 năm. Tôi đã thu thập được nhiều chi tiết tuyệt vời và nó truyền cảm hứng cho tôi.Dịch từ bài phỏng vấn củaMichael Berry.
Chú thích:
[1] Mạc Ngôn và Dư Hoa từng ở chung phòng trong kí túc xá của trường đại học.
[2] Người thực hiện cuộc phỏng vấn là dịch giả tiếng Anh của tiểu thuyết Sống.
SHARE
0 comment
Be the first to comment