“Muôn Kiếp Nhân Sinh Tập 3”: Nhân Quả Và Hành Trình Linh Hồn Của Con N
“Mọi tai ương hiện tại đều do nghiệp lực chiêu cảm mà đến. Nếu đã hiểu như thế thì phải biết tìm cách làm những việc thiện lành để hóa giải nghiệp lực và thay đổi vận mệnh của mình cũng như kêu gọi mọi người chung tay làm những việc tốt giúp chuyển hóa cộng nghiệp cho xã hội. Khi đó, khi bệnh đến thì sẽ có thuốc hay. Việc dữ sẽ biến thành việc lành.” (Trích dẫn từ cuốn sách “Muôn Kiếp Nhân Sinh”, tập 3)
Chắc hẳn chúng ta đã nghe đến, biết đến cuốn sách “Muôn kiếp nhân sinh” với nhiều bài học và giá trị sâu sắc về con người và hành trình thức tỉnh tâm linh. Nếu bạn đã đọc tập 1 và 2 của Muôn kiếp nhân sinh của Nguyên Phong, bạn sẽ nhận ra rằng trong tập 3, tác giả tiếp tục đưa người đọc trở lại những quy luật của vũ trụ, chi phối cuộc sống con người. Đây là tác phẩm tâm linh đầu tiên của một tác giả người Việt được dịch sang tiếng Anh. Những nhân vật xuất hiện trong tập 1 và 2 của Muôn kiếp nhân sinh sẽ xuất hiện như thế nào trong kiếp sống luân hồi và nhân quả trong tập 3? Đây là tập sách mới nhất của Nguyên Phong (GS John Vu) mà các bạn đọc Việt Nam đã đón chờ từ lâu. Tập 3 của Muôn kiếp nhân sinh cho thấy sứ mệnh của mỗi cá nhân là thức tỉnh con người khỏi u mê, xung đột, tham lam và ích kỷ. Điều này giúp thay đổi tâm thức con người khỏi năng lượng tiêu cực. Thông qua cuốn sách, chúng ta đã nhận ra rằng nếu con người muốn thay đổi thế giới, họ phải hiểu các quy luật của vũ trụ và đầu tiên là thay đổi tâm thức của chính họ.
Về tác giả Nguyên Phong và cuốn sách “Muôn kiếp nhân sinh” tập 3
Tên thật của dịch giả Nguyên Phong là Vũ Văn Du, sinh năm 1950 tại Hà Nội. Ông rời Việt Nam để du học ở Hoa Kỳ từ năm 1968. Anh ấy đã tốt nghiệp cao học trong hai lĩnh vực: sinh vật học và điện toán. Ngoài việc là một kỹ sư cao cấp tại Boeing trong hơn 20 năm, ông vẫn là một nhà nghiên cứu tại Đại học Carnegie Mellon và Đại học Seattle. Ông cũng là giảng viên công nghệ phần mềm tại các trường đại học quốc tế ở Trung Hoa, Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ. Nguyên Phong không chỉ là một nhà khoa học nổi tiếng, mà còn là một dịch giả nổi tiếng của một số tác phẩm về văn hóa và tâm linh phương Đông. Những tác phẩm này được chuyển thể từ nhiều tác phẩm của các học giả phương Tây trong quá trình tìm hiểu và khám phá các giá Các tác phẩm như Hành trình về phương Đông, Ngọc sáng trong hoa sen, Bên rặng Tuyết sơn, Hoa sen trên tuyết, Huyền thuật và đạo sĩ Tây Tạng, Minh triết trong đời sống và Đường mây qua xứ tuyết là một số trong số đó… Ông đam mê thiền học và nghiên cứu sâu sắc các vấn đề tâm linh dưới góc nhìn khoa học. Những tác phẩm của ông, phần lớn là phóng tác, giúp người đọc dễ dàng tiếp cận các tác phẩm gốc hơn và giải thích được những vấn đề còn nhiều ẩn số bằng góc nhìn minh triết.
Giáo sư John Vũ Nguyên Phong đã viết “Muôn kiếp nhân sinh” từ năm 2017 đến đầu năm 2020. Cuốn sách kể lại những câu chuyện và trải nghiệm kỳ lạ từ nhiều kiếp sống trước đây của người bạn tâm giao Thomas, một nhà kinh doanh tài chính ở New York. Trong thời điểm thế giới đang gặp phải nhiều cuộc khủng hoảng và thay đổi liên tục, những câu chuyện chưa từng được tiết lộ này sẽ cho phép mọi người suy nghĩ và khám phá về các quy luật nhân quả và luân hồi của vũ trụ. Những câu chuyện kỳ lạ, những kiến giải uyên bác và những tiên đoán bất ngờ về hiện tại và tương lai của con người và thế giới được cung cấp bởi tác phẩm mới ra mắt của giáo sư John Vũ – Nguyên Phong trong tác phẩm “Muôn kiếp nhân sinh” tập 3. Xuyên suốt cuốn sách, thông điệp quan trọng nhất mà tác giả muốn đem đến thông qua tác phẩm là luật luân hồi của vũ trụ và nguồn gốc của nó.
Cảm nhận về nội dung của cuốn sách “Muôn kiếp nhân sinh tập 3 ”
Để có thể thật sự viết ra những cảm nhận về cuốn sách không phải là điều dễ dàng, bởi những gì tiếp thu được từ “Muôn kiếp nhân sinh” tập 3 có lẽ không thể diễn tả hết chỉ bằng ngôn từ. Có những bài học chỉ có thể âm thầm chiêm nghiệm, tích lũy cho bản thân, rất khó có thể diễn đạt vì chúng ứng dụng và đem đến những suy ngẫm khác nhau tùy vào mỗi người. Với “Muôn kiếp nhân sinh” tập 3, chúng ta không chỉ được tiếp cận với những vấn đề liên quan đến sự tỉnh thức, đến nhân quả mà còn với những chủ đề về lòng tham của con người, nghiệp quả của tương lai nhân loại. Câu chuyện tiền kiếp đầy trăn trở của Thomas, thông qua góc nhìn của tác giả, giáo sư John Vũ Nguyên Phong dần đi đến hồi kết, trả lời những câu hỏi, suy nghĩ bỏ ngỏ ở phần 1 và 2. Dù là chúng ta đang đọc Muôn kiếp nhân sinh phần nào, thì trong chúng ta sẽ luôn thường trực cảm giác về vị thế nhỏ bé giữa đất trời, biển cả bao la, rộng lớn. Tuy nhiên, chúng ta là một phần của thế giới đó, chúng ta đã và đang kiến tạo nên thế giới đó, nên cho dù nhỏ bé về vị thế, chúng ta không hề nhỏ bé về tầm nhìn và sức ảnh hưởng của mình.
Câu hỏi muôn thuở: “Ta là ai?” và những khía cạnh đạo đức
Khác với những phần trước, trong cuốn sách “Muôn kiếp nhân sinh” tập 3, tác giả dẫn dắt người đọc tới những cách tiếp cận khác với câu hỏi “Ta là ai?” này. Từ tập 1 đến tập 3, dường như tác giả đang đi theo một dòng thời gian, từ quá khứ đến hiện tại, rồi suy ngẫm về tương lai. Nếu đem so sánh tập 3 này với các tập trước, có thể thấy rằng tập 3 của các sách Muôn kiếp nhân sinh dần chạm đến các vấn đề mà giới trẻ ngày một quan tâm. Câu hỏi “Ta là ai?” không còn xa lạ với chúng ta, nhưng trong cuốn sách “Muôn kiếp nhân sinh” tập 3, chúng ta sẽ không nhận những câu trả lời ở góc độ triết học, thay vào đó, chúng ta tiếp cận câu hỏi này ở góc độ thời sự: về hiện tại và số phận trong tương lai của loài người trước sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ, của trí thông minh nhân tạo AI và quan trọng nhất, về mối liên hệ giữa khoa học hiện đại và tâm thức của con người.
Mạch câu chuyện của cuốn sách “Muôn kiếp nhân sinh” tập 3 vẫn kể về nhiều cuộc đời của Thomas ở nhiều quốc gia và dân tộc khác nhau. Tuy nhiên, tác giả dẫn chúng ta qua những hồi ức đó để suy nghĩ về những triết lý nhân sinh về cuộc sống hiện tại và tương lai của con người. Qua những câu chuyện hồi ức của Thomas, chúng ta cảm nhận được nỗi trăn trở của người kể chuyện, của chính tác giả Nguyên Phong về vai trò của con người và khoa học công nghệ: Máy móc có thể thay thế con người hoàn toàn không? Ở đây, tác giả đưa ra những phân tích và dẫn chứng liên quan đến cách tư duy kết hợp lý trí và cảm xúc của con người. Khi nhìn nhận chuyện này ở góc độ đạo đức, và nhân quả, chúng ta mới có thể thấu hiểu tường tận các vấn đề. Chỉ riêng một câu hỏi “Ta là ai?” cùng những luận giải của Thomas và tác giả Nguyên Phong, chúng ta cũng có thể có nhiều chiêm nghiệm cho bản thân mình. Trong số chúng ta, có người có thể nghĩ rằng công nghệ và khoa học là những phát kiến, công cụ giúp cuộc sống của con người dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nếu nhìn vào bức tranh toàn cảnh ngày nay, khoa học công nghệ là quá trình, cũng là kết quả nghiên cứu của con người, do con người định đoạt. Dần dần, nó trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống, dần điều khiển ngược lại con người. Vạn vật bản chất ban đầu không ai, không có gì xấu; chỉ do bàn tay và tâm niệm của con người mới có thể làm cho bản chất ấy biến đổi, có thể theo nhiều chiều hướng khác nhau, tốt xấu đều có. Khoa học và công nghệ không chỉ là những chủ đề ở giới hạn giáo dục, mà còn có thể mở rộng ra vấn đề về nhân quả. Tác giả cho rằng “nhân của hiện tại là quả của tương lai”, “tương lai sẽ có những hậu quả không thể đoán trước nếu chúng ta không nhận thức đầy đủ trong hiện tại.” Thật vậy, nếu chúng ta không thể tự mình điều khiến những công cụ mà chúng ta một tay tạo ra, trong tương lai chính những công cụ đó sẽ điều khiến ngược lại chúng ta, sẽ gây ra những hậu quả khôn lường. Mặc dù khoa học và công nghệ được coi là sự tiến bộ, nhưng vì sao con người phải dè chừng? Không phải vì khả năng siêu việt của chúng, mà do chúng luôn đặt ở tầm ngắm của những kẻ luôn muốn sử dụng chúng với những mục đích vô nhân đạo.
Thomas đã có được kiến thức sâu sắc về trí tuệ, chân ngã, giác quan thể xác và giác quan linh hồn (tâm thức) qua nhiều cuộc sống. Qua đó, chúng ta hiểu rằng ngoài bản ngã, có một thứ gọi là “chân ngã” trong thẳm sâu con người và giải quyết câu hỏi “ta là ai?” Nhiều người vẫn tin rằng bản ngã chính là con người thật của họ trong nhiều thế kỷ qua. Bởi vì nó có ý nghĩa phân biệt, bản ngã chỉ làm những gì có lợi để bảo vệ chính nó. Từ đó, các khái niệm như yêu, ghét, chiếm hữu, tham lam và ích kỷ nảy sinh, đó là nguyên nhân của tất cả những đau khổ mà con người gặp phải trên thế giới này.
Hành trình đưa con người về nẻo thiện
Khi nói về nhân quả, chúng ta thường nhất mực tuân theo một quy tắc: ác giả ác bảo, gieo nhân nào thì gặp quả ấy. Rõ ràng điều này không sai, nhưng nếu như đã gặp “quả báo” thì sau đó sẽ là gì? Trên đời này, chỉ có người “ác” mới gặp “ác báo” thôi sao? Nếu như con người không chịu đổi thay, thì những gì họ được cuộc đời “trả lại” liệu có phải là quả báo hay không?
Những gì mà câu chuyện của Thomas và luận giải của tác giả Nguyên Phong đã đập tan những suy nghĩ, tầm nhìn vốn có của chúng ta về nhân quả. Mỗi chúng ta, khi đã sinh ra, đều có thời gian là cả đời mình để nhận thức và lĩnh hội những bài học nghiệp quả mà kiếp sống này mang lại. “Anh oán trách nên anh tức giận, anh tức giận nên anh càng vướng mắc. Nếu tiếp tục với tâm oán hận này, nó sẽ là nhân xui khiến anh gặp lại những người đó. Không ai muốn gặp người mình không ưa, không ai muốn gặp lại kẻ đã đối xử tàn tệ với mình, nhưng nếu cứ giữ tư tưởng hận thù thì sẽ tạo thêm mối liên hệ với người đó. Nếu không gặp nhau ở kiếp này thì sẽ gặp tại kiếp khác. Tất cả những người có thù oán với nhau sẽ gặp lại nhau để trả nợ hay đòi nợ. Nhân quả cứ thế kéo dài, không sao hết được.” Nếu chúng ta muốn được thảnh thơi, chúng ta phải học cách chấp nhận buông bỏ những thứ thuộc về xưa cũ. Thay vì oán trách cuộc đời, vì sao chúng ta phải chịu đau khổ, vì sao có việc này việc kia lại không được như ý muốn, hãy nhìn nhận toàn bộ quá trình xem chúng ta đã nỗ lực đủ chưa, và chúng ta có đang tự đày đọa bản thân mình bằng những gánh nặng thừa thãi không? Trong câu chuyện của Thomas, vị tu sĩ có nhắc đến một ý kiến rất hay, đó chính là những gì chúng ta trải qua ở hiện tại cũng là “quả” mà kiếp trước đã “gieo hạt”. Đó là lý do vì sao chúng ta không nên trách người mà hãy trách mình. Chúng ta không thể nhớ được những gì mình đã làm ở tiền kiếp, ngay cả việc nhớ được cũng không có lợi cho chúng ta. Bởi nếu chúng ta thật sự biết được những chuyện đó, thì có ỹ nghĩa gì khi đó là những việc đã xảy ra và không cần đến những tác động của chúng ta nữa? Trong khi những việc ở hiện tại mới là ưu tiên hàng đầu, từng giây phút trôi qua cũng là quá khứ, vậy tại sao phải trói buộc mình vào những việc không thể nào xoay chuyển được nữa? “Nhân quả bao đời kết nối chằng chịt dễ gì thoát ra được. Muốn ra khỏi luân hồi, mọi người cần phải có một nơi nương tựa và sự chỉ dẫn của những người đi trước.” Nơi nương tựa tốt nhất chính là hiện tại và gia đình của chúng ta, còn với những người đã quyết định đi theo con đường tu hành, thì người chỉ dẫn tốt nhất chính là những người đã đi trên chính con đường mà họ đang đi. Vị tu sĩ còn bổ sung thêm: “Khi nhìn thấy hình ảnh quá khứ, anh lại nghĩ rằng mình nhớ được tiền kiếp. Từ đó, anh muốn biết thêm về đời sống kiếp trước nên chạy theo vọng tưởng này và bị ma cảnh chuyển hóa. Người thiếu trí tuệ khi thấy những ma cảnh này sẽ nghĩ rằng mình đã có khả năng túc mạng thông tức thông thấu được tiền kiếp, rồi sinh tâm tự mãn. Nhưng tâm chưa thanh tịnh thì làm sao có được thần thông. Đó chỉ là ma cảnh mà cảm xúc vẽ ra thôi. Tóm lại, anh bị chi phối bởi các loại ma tâm mà vẫn vô tư không biết. Người không có tu tập, khi tâm dâm dục không được thỏa mãn thường nảy sinh tư tưởng oán hận, rồi từ đó kéo theo bao nhiêu điều xấu xa hơn nữa. Nếu không điều chỉnh thì các tà kiến này sẽ dễ bị lôi kéo vào ma đạo. Khi lệch sang con đường này thì ân oán chập chùng, hết kiếp này qua kiếp khác, cứ đòi nợ, trả nợ, gây thù chuốc oán lẫn nhau, mãi mãi đọa lạc vào những nơi chốn xấu xa.”
Kiếp trước chúng ta làm gì không thực sự quan trọng, dù tốt hay xấu, vì chúng đã xảy ra rồi. Tuy nhiên, chúng có thể là nền tảng giải thích cho những gì mà bản thân mình trải nghiệm ở hiện tại. “Muốn đi xa trên con đường đạo, việc đầu tiên là từ bỏ những thứ thuộc về xưa cũ. Dính mắc vào chuyện cũ như buộc đá vào chân, như vậy làm sao có thể cất bước mà đi?”
Nhân loại – Chủ nhân của tương lai
“Chúng ta không thể thay đổi được quá khứ, nhưng bằng việc chuyển đổi tâm thức, lan tỏa yêu thương và hiểu biết trong hiện tại, chúng ta có thể thay đổi được tương lai bằng chính những hành động, suy nghĩ của chúng ta ngay lúc này”.
Chúng ta nỗ lực học tập, trau dồi, rèn luyện để làm gì? Để đạt được mục đích, mục tiêu nào đó, hay để thỏa mãn những nhu cầu cá nhân? Dù kết quả cuối cùng là gì, chúng ta không nên quá nôn nóng, để rồi làm đổ bể mọi sự. Những gì chúng ta học được có lẽ chỉ gói gọn trong những cuốn sách, những con chữ, bài giảng, công thức, nhưng ứng dụng thế nào vào cuộc sống, rồi mở rộng góc nhìn, cách tiếp cận lại là những câu chuyện khác đòi hòi nhiều tâm sức của chúng ta hơn.
“Tư tưởng của đa số con người đều có tính góp nhặt, vì sự hiểu biết được thu thập tuần tự theo thời gian. Ví dụ như khi đi học, học sinh phải học từ căn bản, học đọc, học viết rồi mới đến hành văn, lý luận, học từ kiến thức cơ sở rồi mới đến kiến thức chuyên môn. Các kiến thức này được tích lũy và sẽ phát triển khả năng hiểu biết, nhờ đó con người có thể diễn tả được những tư tưởng phức tạp. Tuy nhiên, hiểu biết này chỉ là nước trong cái ao nhỏ, không thể so sánh với sự hiểu biết sáng suốt vô biên như nước trong đại dương của người đã đắc định. Hơn nữa, tư tưởng của chúng ta còn bị ảnh hưởng bởi dục vọng nên mọi suy nghĩ thường mang tính chủ quan hay thuận theo ham muốn. Đầu óc con người luôn bị xáo trộn giữa dục vọng và lý trí, hai cái này thường xung khắc, khiến đầu óc bị giằng xé giữa hai thái cực. Dục vọng xui khiến ta làm những gì mình thích, còn lý trí khuyên ta nên tránh điều xấu. Bị lôi kéo giữa hai thái cực, đầu óc con người tựa một bãi chiến trường, đấu tranh không ngừng như nước và lửa. Với một số người, khi dục vọng nổi lên, lý trí trốn mất. Đối với người khác, khi lý trí hoạt động, dục vọng im hơi. Vì hai động lực này không bao giờ có mặt cùng một lúc nên đầu óc con người không mấy khi quân bình. Đối với người có định thì khác, vì họ đã chuyển hóa dục vọng thành tình thương và lý trí thành minh triết nên cả hai kết hợp với nhau chặt chẽ và xuất hiện cùng lúc.”
Quay về câu chuyện của việc sử dụng trí tuệ, chúng ta nếu không khéo léo, minh mẫn sử dụng sẽ bị chính trí tuệ mà mình lĩnh hội điều khiển ngược lại, cuốn vào những dục vọng tăm tối. Tương lai trước mắt là con đường tới minh triết hay chiếc hố sâu của dục vọng phụ thuộc rất nhiều vào cách chúng ta học tập và những gì chúng ta muốn làm với những kiến thức ấy. Chúng ta học hành, khổ luyện chăm chỉ đến đâu cũng không thể học hết tất thảy trên đời, nhưng tất thảy những gì chúng ta học và làm đều có nhân quả. Ở khía cạnh này, cuốn sách “Muôn kiếp nhân sinh” tập 3 đã khéo léo lồng ghép những bài học này, kèm theo những bài học về thiền định, nhấn mạnh đến sự kiên nhẫn, sự thiện lương nơi con người.
Kết luận
Cuốn sách “Muôn kiếp nhân sinh” tập 3 có thể luận chuyện nhiều kiếp để nói về đạo làm người, đạo tu hành, những lời răn dạy của những nhà hiền triết. Tuy nhiên, nếu có thể suy ngẫm kỹ lưỡng một chút, chúng ta sẽ nhận ra những bài học thật gần gũi với mình, có thể mở rộng tầm mắt về nhân sinh, nhân quả và nhận ra rằng chúng ta là một phần trong chuỗi thời gian ấy. Những thông điệp gợi mở, đầy yêu thương của cuốn sách “Muôn kiếp nhân sinh” tập 3 sẽ hướng người đọc đến với hành trình tỉnh thức, đi về nẻo thiện, tiếp bước đến sự minh triết.
SHARE
0 comment
Be the first to comment